Táo bón ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh thường gặp và có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bình thường của bé. Do vậy, ba mẹ cần nắm rõ những thông tin liên quan đến căn bệnh này để có cách phòng tránh và chữa trị cho bé phù hợp.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ sơ sinh.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh. Thông thường, ở những trẻ từ 1 đến 3 tháng tuổi, nguyên nhân chính gây ra táo bón là do mẹ không cho bé bú sữa đầy đủ hoặc do mẹ ăn nhiều thực phẩm cay, nóng.
Trong khi đó, trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi thường bị táo bón do tác dụng phụ của tiêm phòng hay uống thuốc kháng sinh. Riêng những trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi thì nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này thường là chế độ ăn dặm thiếu chất xơ và do cơ thể bé dễ bị mất nước bởi những hoạt động lật mình, bò, đi.
Biểu hiện và tác hại của táo bón ở trẻ sơ sinh.
Khi trẻ sơ sinh bị táo bón, bé thường giảm số lần đi ngoài, phân khô và rắn, bé gặp nhiều khó khăn khi đi vệ sinh và thường bị cứng hay chướng bụng. Nếu bị táo bón lâu ngày, các chất độc trong cơ thể bé sẽ bị tích tụ lại, khiến bé khó chịu dẫn tới tình trạng bé biếng ăn và hay quấy khóc. Chính vì thế, táo bón làm bé chậm phát triển và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao. Ngoài ra, táo bón kéo dài còn có thể dẫn tới bệnh trĩ ở trẻ.

Táo bón làm trẻ chậm phát triển và có nguy cơ suy dinh dưỡng cao
Giải pháp chữa táo bón ở trẻ sơ sinh.
Bổ sung nước cho bé: Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cần bổ sung khoảng 100 – 200ml nước một ngày cho bé. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, lượng nước này cần được tăng lên thành 200 – 300ml/ngày. Nước bổ sung cho bé có thể là nước lọc hoặc nước ép trái cây như mận, táo, lê. Bên cạnh đó, mẹ vẫn phải bảo đảm bé được bú sữa đầy đủ.
Bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn của mẹ và bé: Nếu trẻ sơ sinh vẫn đang được bú mẹ, bạn cần bổ sung nhiều rau xanh và những loại trái cây có tác dụng nhuận tràng như chuối, đu đủ, táo,… vào khẩu phần ăn của mình cũng như phải uống đủ ít nhất 2 lít nước một ngày. Nếu con bạn đã có thể ăn dặm, bạn cũng nên bổ sung rau xanh và trái cây vào khẩu phần ăn dặm của bé.
Massage cho bé: Để kích thích nhu động ruột giúp trẻ có thể đi ngoài dễ dàng, vào giữa các bữa ăn, bạn nên massage bụng trẻ quanh rốn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 10 phút.

Massage giúp kích thích nhu động ruột để bé có thể đi ngoài dễ dàng
Cho bé tắm nước ấm: Tắm bằng nước ấm là một phương pháp hỗ trợ điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh hiệu quả. Bởi nước ấm có thể làm giảm những cảm giác khó chịu do táo bón gây ra, đem lại sự thư giãn và thoải mái cho bé. Ngoài ra, nước ấm còn làm giảm những cơn đau do đầy hơi và có khả năng kích thích nhu động ruột ở trẻ. Do vậy, khi con mình bị táo bón, bạn nên tắm cho bé với nước ấm được pha cùng một túi trà hoa cúc để giúp bé mau chóng khỏi bệnh.
Nếu đã áp dụng các phương pháp kể trên mà tình trạng táo bón ở bé không được cải thiện thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp và kịp thời.
Thiên Lam