Đồ chơi làm bếp là một trong những món đồ chơi có kiểu dáng vô cùng dễ thương, bắt mắt. Nó không chỉ có tác dụng giúp bé chơi vui vẻ hơn, hiểu rõ hơn về công việc làm bếp mà còn giúp bố mẹ có thể định hướng được ước mơ và nghề nghiệp cho bé một cách dễ dàng thông qua việc bé chơi với món đồ này.
Dưới đây là một số thông tin giúp mẹ hiểu thêm về tác dụng của đồ chơi này cũng như giải đáp được lý do vì sao mẹ nên mua đồ chơi làm bếp cho bé, cùng tìm hiểu nhé!
Đồ chơi giúp bé phát triển kỹ năng mềm
Đồ chơi nấu ăn không chỉ hỗ trợ bé nhận thức, học cách chia sẻ mà còn có thể mang lại cho bé nhiều kỹ năng mềm trong xã hội cần thiết, chẳng hạn như thông qua việc vui chơi cùng các bạn, bé sẽ biết cách chia sẻ, ứng xử giao tiếp tốt hơn.
Đồng thời bé cũng học được kĩ năng làm việc nhóm từ cách lắng nghe thông tin đến việc phân công cho những công việc hay cách giải quyết tình huống một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tất cả những kỹ năng này đều rất có lợi cho quá trình khôn lớn và tương lai sau này của bé.
Đồ chơi giúp bé sống tự lập hơn
Chơi với đồ chơi làm bếp cũng đồng nghĩa với việc bé sẽ tự làm tất cả mà không cần sự trợ giúp của ai như từ việc chọn nguyên liệu, lên thực đơn đến việc sắp xếp ngăn nắp đồ chơi làm bếp theo nhóm một cách phù hợp. Tất cả đều phải do tự tay bé làm nếu bé muốn trở thành một đầu bếp thực thụ trong khi chơi.
Không chỉ vậy, khi chơi xong bé còn học được cách thu dọn đồ chơi như bố mẹ vẫn thường làm khi nấu ăn xong để giúp cho căn bếp luôn được gọn gàng, ngăn nắp. Qua đó, đồ chơi giúp bé hình thành nên con người có tính tự lập hơn, rất có lợi trong quá trình trưởng thành và ra đời sau này của bé.
Đồ chơi không phân biệt đối tượng, giới tính
Đúng vậy, các bé từ 9 tháng đến 15 tháng tuổi hay cả những bé đã lớn, đã đến tuổi đi học mầm non hoặc tiểu học cũng có thể chơi với món đồ chơi làm bếp này. Đặc biệt, món đồ chơi này không chỉ dành riêng cho bé gái mà các bé trai cũng có thể chơi bởi sự đa dạng, gần gũi kích thích niềm đam mê ở các bé.
Với món đồ chơi này, mẹ có thể cho bé chơi cùng với các bạn, từ đó sẽ giúp bé gia tăng được sự tương tác xã hội, biết cách chia sẻ với mọi người, giúp hình thành nên đức tính tốt cần có ở mỗi con người.
Đồ chơi tăng cường khả năng quan sát, ghi nhớ của bé
Đồ chơi làm bếp thường mô phỏng lại các vật dụng quen thuộc như chén, đũa, nồi niêu… mà bé đã từng trông thấy mẹ mình dùng nó để chế biến món ăn, từ đó bé sẽ học được cách quan sát, bắt chước mẹ làm rồi áp dụng vào món đồ mình đang chơi.
Việc này rèn luyện cho bé biết cách nhận biết và phân biệt vật dụng, đồng thời tăng khả năng quan sát để thu nhận được nhiều kiến thức từ cuộc sống.
Ngoài ra, với món đồ chơi này bé còn có thể vận dụng những kiến thức từ các bậc phụ huynh nhiều hơn để giúp cho việc chơi thành công hơn như bé sẽ biết cách chế biến, sáng tạo hơn từ món ăn qua việc bé đã từng quan sát và tưởng tượng lại.
Bên cạnh đó, trong khi chơi bé sẽ linh hoạt hơn từ cách tính toán, đo lường, so sánh một cách trực quan nhất, tạo nên nhiều tình huống thú vị khi chơi, giúp bé hứng thú hơn khi chơi, đồng thời kích thích trí não bé hoạt động tốt hơn.
Thúy Hạnh (t/h)