Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ, tuy nhiên sữa mẹ có về nhiều hay không một phần còn phụ thuộc vào tâm lý hay cách sinh hoạt của người mẹ. Do vậy, nếu muốn giúp bé được tiếp nhận đầy đủ dưỡng chất từ nguồn sữa mẹ thì mẹ không nên bỏ qua những điều sau.
1. Tích cực cho con bú
Để giúp sữa được tiết ra nhiều hơn thì mẹ đừng quên việc cho bé bú sữa thường xuyên nhé, kể cả là khi mẹ thấy mình ít sữa, bởi thông thường sữa mẹ được sản xuất theo nguyên lý cung và cầu. Nếu mẹ càng cho con bú thường xuyên thì sữa sẽ tiết ra càng nhiều.
Do vậy, mẹ cứ thoải mái cho con bú theo nhu cầu mà không nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc ” đồng hồ thời gian” được đặt sẵn. Bởi việc tích cực cho con bú cũng là lúc mẹ đang tự giúp mình ổn định lại nguồn sữa và kích thích lượng sữa được tiết ra hiệu quả.
2. Nghỉ ngơi nhiều
Nghỉ ngơi nhiều cũng là một việc rất quan trọng mẹ nên thực hiện sau khi sinh, bởi lúc này, cơ thể mẹ rất yếu nên nếu không nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc thì quá trình hồi phục sau khi sinh sẽ mất rất nhiều thời gian. Đồng thời còn khiến cho nguồn sữa mẹ thuyên giảm đi rất nhiều. Do vậy, mẹ hãy yêu thương bản thân mình bằng cách nghỉ ngơi thật nhiều nhé.
3. Không nên lo lắng
Sau khi sinh, thường thì mẹ sẽ phải mất mấy ngày sữa mới về nhiều. Do vậy, mẹ đừng vì điều này mà cảm thấy lo lắng là mình không đủ sữa để ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mang lại nguồn sữa không tốt cho bé. Bởi hầu hết mẹ nào cũng sẽ có đầy đủ sữa cho con bú nếu như mẹ có chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
4. Tránh stress
Sau khi sinh, sản phụ sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi về tâm lý, điều này là hoàn toàn bình thường và không làm giảm khả năng tiết sữa của người mẹ nhưng lại làm cho quá trình tiết sữa ra chậm. Do vậy, để giảm tình trạng trên, mẹ có thể giúp bản thân mình thư giãn bằng những bản nhạc yêu thích, hay trò chuyện cùng bé yêu và người thân thay vì những bực dọc, căng thẳng không đáng có để dẫn đến stress nhé.
5. Mát xa ngực
Mát xa ngực cũng là biện pháp hiệu quả giúp mẹ tăng tiết sữa cho bé bú. Mẹ có thể mát xa ngực vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, hoặc ngay cả khi bé đang bú mẹ. Cách đơn giản nhất là dùng bốn đầu ngón tay xoay thành hình tròn quanh ngực, điều này không chỉ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn góp phần kích thích nguồn sữa chảy nhiều hơn nữa đấy.
6. Chia sẻ cùng những bà mẹ
Nếu bạn mới làm mẹ lần đầu và còn rất bối rối trong việc chăm sóc con thì việc gặp gỡ những bà mẹ lúc này sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bạn. Bởi lúc đó, bạn có thể chia sẻ cho mọi người những băn khoăn của mình và học hỏi, tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm để có cách chăm sóc trẻ sơ sinh tốt hơn.
7. Không uống rượu bia
Rượu bia vốn dĩ đã không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bà bầu trong giai đoạn trước và sau khi sinh. Bởi nó là tác nhân nguy hiểm khiến mẹ giảm khả năng tiết sữa. Do vậy, mẹ hãy nói không với rượu bia để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như bé yêu nhà mình nhé và thay vào đó là uống thật nhiều nước, có thể là nước lọc, nước dừa, sữa hay ăn các thực phẩm có chứa nhiều nước như trái cây, rau củ cũng đều rất tốt cho nguồn sữa mẹ lúc này.
8. Lưu ý về chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ giúp bé phát triển khỏe mạnh mà còn tác động không nhỏ đến sự phát triển trí não của bé. Do vậy, mẹ nên hình thành cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, có đầy đủ dưỡng chất cần thiết như thịt, cá, rau, ngũ cốc, sữa… và đảm bảo cơ thể mẹ có đủ năng lượng khoảng 300 – 500 calo một ngày nhé.
9. Sau khi sinh, mẹ không nên sử dụng máy vắt sữa ngay
Việc dự trữ sữa vào bình cho con bú bằng cách vắt sữa là việc làm rất văn minh và phù hợp với nhiều bà mẹ bận rộn. Tuy nhiên, sau khi sinh mẹ nên để bé tự bú sữa theo bản năng của mình. Bởi việc bú mẹ không chỉ giúp bé cảm thấy được gần gũi và yêu thương nhiều hơn mà đồng thời việc làm này còn góp phần kích thích sữa tiết ra nhiều hơn là dùng máy hút sữa.
Còn nếu như mẹ lựa chọn cho bé bú bình thay vì bú sữa mẹ thì lúc này mẹ cũng có thể dùng đến máy hút sữa. Tuy nhiên, khi vắt sữa, mẹ cũng cần phải lưu ý sử dụng dụng cụ tiệt trùng, trữ sữa và đảm bảo đúng quy cách. Để dễ theo dõi và tiện dụng, mẹ có thể dán nhãn ngày tháng lên mỗi bình sữa nhé.
Huyền Diệu (t/h)