Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết được tầm quan trọng của đồ chơi đối với sự phát triển toàn diện của mỗi đứa trẻ. Dù là chơi cùng các đồ chơi truyền thống, đồ chơi hiện đại, đồ chơi công nghệ… thì mỗi món đồ chơi đều góp phần không nhỏ trong việc rèn luyện thể chất và trí tuệ cho bé.
Dưới đây là một số lý do nhằm minh chứng cho tầm quan trọng và không thể thay thế của đồ chơi đối với trẻ em:
1. Rèn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe
Rèn luyện thể lực là một trong những vai trò của đồ chơi đối với các bé. Một số đồ chơi giúp các bé có nhiều hoạt động chân, tay như chơi cùng bóng đá, cầu lông, xếp hình, đạp xe…
Nếu vận động thường xuyên với những món đồ chơi yêu thích không chỉ giúp bé hứng thú mà còn góp phần làm cho hệ cơ xương dẻo dai, săn chắc, tập cho các bé sự nhạy bén, khả năng phản ứng tốt trước những tình huống bất ngờ.
Đồng thời, những đồ chơi đòi hỏi sự hoạt động tay chân liên tục cũng góp phần đốt cháy một lượng kalo rất lớn, tránh bệnh béo phì thường gặp ở trẻ em hiện nay.
2. Giúp bé thông minh hơn
Theo các chuyên gia, chơi là cách tự nhiên nhất, thú vị nhất giúp trẻ học và khám phá thế giới xung quanh mình. Ngay từ khi còn nhỏ, bé được làm quen với những món đồ chơi nhiều màu sắc, đa dạng về hình dáng. Nhờ việc chơi đồ chơi sẽ giúp trẻ sớm gọi tên và phân biệt được những đồ dùng, con vật và muốn tò mò tìm hiểu thêm nhiều thứ khác xung quanh.
Đồ chơi cũng đóng vai trò quan trọng giúp bé phát triển trí não bằng cách sáng tạo nhiều cách chơi đồ chơi sao cho thú vị hơn. Chẳng hạn như khi chơi với đất sét nặn ban đầu bé sẽ chỉ nặn được những hình khối đơn giản, nhưng dần dần bé sẽ sáng tạo ra được nhiều hình thù phức tạp hơn ví dụ như hình con người, nhà cửa, động vật, xe cộ…
Hay như bộ đồ chơi toán học đòi hỏi trí tưởng tượng của bé, khả năng sắp xếp các hình khối sao cho hợp lý cũng giúp cho não bộ của bé được làm quen, thu nạp một lượng kiến thức quan trọng để làm bước đệm cho việc học của các bé sau này được tốt hơn.
3. Phát triển tốt nhân cách, làm phong phú đời sống tinh thần
Thông qua việc chơi đồ chơi cùng bạn bè như chơi đồ hàng, xếp hình, chơi thả diều, đá bóng…giúp cho trẻ mạnh dạn, tự tin hơn, tránh được bệnh tự kỷ. Cũng qua đó khả năng giao tiếp của bé được nâng cao, mở rộng tầm hiểu biết cho bé về các mối quan hệ xã hội.
Chơi một số đồ chơi đòi hỏi sự khéo léo và mất nhiều thời gian như vẽ, tô màu, lắp ghép… cũng giúp bé rèn luyện đức tính kiên nhẫn, tự lập, chịu khó tìm tòi, học hỏi và biết chấp nhận thất bại và cố gắng để thành công. Từ đó giúp bé hoàn thiện các kỹ năng cơ bản để tự giác làm một số việc cá nhân hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, gấp quần áo, ăn uống…
Một số trò chơi đi kèm các đồ chơi đồ hàng như chơi buôn bán, tạo cảnh gia đình, lớp học…bố mẹ cũng có thể chơi cùng con và thông qua đó khơi gợi suy nghĩ, cảm nhận của con về những người xung quanh . Từ đó bé sẽ cảm thấy tin tưởng, thoải mái và sẵn sàng bộc lộ những cảm xúc của mình cho người khác biết.
Chơi cùng búp bê, thú bông cũng có tác dụng giúp bé biết yêu thương, quan tâm và trân trọng những người xung quanh cũng như các loài vật.
Ngọc Lan